Những món chè miền Tây với cách chế biến độc đáo và hình thức bên ngoài đẹp mắt luôn để lại ấn tượng cho nhiều thực khách. Nếu là tín đồ hảo ngọt thì đừng vội bỏ qua danh sách 8 món chè miền Tây ngon “nhức nách” sau đây!

1. Chè bưởi

Món chè được làm từ các nguyên liệu đơn giản như: bưởi, đậu xanh, đường, bột năng, nước cốt dừa… Để làm được chè bưởi phải dùng cùi bưởi đã được ngâm với nước nhiều lần để loại bỏ phần đắng, giúp phần bưởi dai hơn. Sau đó sẽ nấu phần bưởi này cùng đậu xanh và đường đến khi chín là có thể dùng được. Chè bưởi sẽ có vị ngọt thanh, giòn, dai của phần cùi bưởi, vị bùi của đậu xanh và béo của phần nước cốt dừa. Khi ăn, bạn có thể cho thêm một ít đá lạnh để thưởng thức.

2. Chè thưng

Chè thưng hay còn gọi là “chè bà ba”, một món chè đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Chè được nấu từ các nguyên liệu quen thuộc như: chuối, khoai, hạt sen, nước cốt dừa… Khi nếm thử chè, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ của chuối, vị bùi của hạt sen, vị béo của nước cốt dừa và độ dẻo dẻo của khoai. Để tăng thêm độ ngon ấn tượng cho món chè, bạn có thể cho thêm một ít đậu phộng rang rồi thưởng thức.

3. Chè sương sa hạt lựu

Là món chè miền Tây trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều người dân nơi đây. Món chè này gồm hai thứ chính: sương sa và hột lựu. Sương sa được làm từ bột rau câu nấu chính, xắt thành từng miếng nhỏ. Hột lựu được làm từ củ năng xắt hình ô vuông nhỏ, cho chút màu thực phẩm, bỏ vào keo đã có sẵn bột năng và lắc đều, sau đó cho vào nồi nước sôi luộc chín là đã thành những hột đỏ, nhìn y chang như hột của trái lựu.

Chè sương sa hột lựu còn kèm theo đậu xanh không vỏ luộc chín, nước đường và nước cốt dừa. Khi ăn cho thêm chút vani và một ít đá lạnh đập nhỏ.

4. Chè chuối bột báng

Chè chuối bột báng cũng là một trong những món chè miền Tây ngon và hấp dẫn với nhiều người. Món chè được chế biến từ những nguyên liệu khá đơn giản, dễ tìm như: chuối, bột báng, đậu phộng, nước cốt dừa… Sau khi nấu thành phẩm, chè sẽ có mùi thơm hấp dẫn của nước cốt dừa. Nước chè sóng sánh, thơm lừng, chuối thì chín mềm, có độ ngọt vừa phải. Khi ăn, bạn có thể cho thêm một ít đậu phộng béo ngậy, ăn lạnh hoặc nóng đều ngon.

5. Chè đậu xanh nha đam đường phèn

Đây vừa là một món chè, vừa là thức ăn giải khát. Món chè này được chế biến từ đậu xanh, nha đam, đường phèn và nước cốt dừa. Chè có vị ngọt thanh của đậu xanh, dai dai của nha đam. Khi ăn có thể cho thêm chút đá mát lạnh vào sẽ đem đến cho bạn cảm giác sảng khoái và ngon miệng.

6. Chè khoai môn nếp lá dứa

Chè có vị ngọt thơm, dẻo bùi của phần khoai môn được nấu cùng nếp tạo nên độ sền sệt, đặc biệt màu xanh của lá dứa trong món chè càng tăng thêm độ ngon và hấp dẫn cho món ăn này. Món chè này còn giúp thanh nhiệt cơ thể trong những ngày nắng nóng.

7. Chè kiểm

Chè kiểm còn có tên gọi khác là “canh kiểm”. Món chè thường được nấu vào những ngày rằm cúng ông bà tổ tiên. Chè kiểm được nấu từ những nguyên liệu như: bí đỏ, khoai lang, khoai môn, chuối, đậu phộng… Món chè có vị ngọt của chuối, vị bùi của khoai lang và vị béo nhẹ, thanh ngọt của bí đỏ hòa quyện cùng vị béo ngậy của đậu phộng, vị thơm của nước cốt dừa. Đây chính là một trong những món tráng miệng ngon tuyệt vời trong những ngày nắng nóng. Đặc biệt, bạn có thể tìm thấy món chè kiểm xuất hiện nhiều trong những thực đơn chay ở chùa trong Nam và cả ngoài Bắc.

8. Chè ỷ

Chè ỷ là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa ở Sóc Trăng. Món ăn còn có tên gọi khác là “chè lủm chủm”. Nét đặc biệt của món chè này là những viên bột nếp tròn, nhỏ xinh mang lại hương vị ngọt ngào. Cách chế biên chè ỷ khá công phu với các nguyên liệu gồm bột nếp, bột năng, nước cốt dừa, đậu phộng rang, gừng, lá dứa… Chè ỷ không chỉ mang đến hương vị ngon miệng mà còn mang đến ý nghĩa đoàn viên, may mắn.

Nguồn: iVIVU.com

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời